Thông tư quy định về kiến thức tối thiểu để tốt nghiệp đại học số 07/2015/TT-BGDĐT Quy định về kiến thức tối thiểu sau khi tốt nghiệp đại học

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 07/2015/TT-BGDĐT Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2015

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC TỐI THIỂU, YÊU CẦU VỀ NĂNG LỰC MÀ NGƯỜI HỌC ĐẠT ĐƯỢC SAU KHI TỐT NGHIỆP ĐỐI VỚI MỖI TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH, BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, THẠC SĨ, TIẾN SĨ

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Căn cứ Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2015.

Bãi bỏ Quyết định số 2677/GD-ĐT ngày 03/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về cấu trúc và khối lượng kiến thức tối thiểu cho các cấp đào tạo trong bậc đại học và các quy định được ban hành tại các văn bản khác liên quan đến các quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc đại học quốc gia, đại học vùng, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học; Viện trưởng các viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:

– Văn phòng Quốc hội; Để báo cáo
– Văn phòng Chính phủ; Để báo cáo
– Uỷ ban VHGD TNTN&NĐ của QH;    Để báo cáo
– Hội đồng QGGD&PT nhân lực; Để báo cáo
– Ban Tuyên giáo Trung ương; Để báo cáo
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– Kiểm toán Nhà nước;
– Các Bộ có trường ĐH, CĐ; Để thực hiện
– UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW   Để thực hiện
– Như Điều 3; Để thực hiện
– Công báo;
– Website Chính phủ, Website Bộ GD&ĐT;
– Lưu: VT, PC, Vụ GDĐH.

BỘ TRƯỞNG

Phạm Vũ Luận

 

QUY ĐỊNH

VỀ KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC TỐI THIỂU, YÊU CẦU VỀ NĂNG LỰC MÀ NGƯỜI HỌC ĐẠT ĐƯỢC SAU KHI TỐT NGHIỆP ĐỐI VỚI MỖI TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH, BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, THẠC SĨ, TIẾN SĨ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2015  của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với đại học quốc gia, đại học vùng (bao gồm cả các cơ sở giáo dục đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng), học viện, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tín chỉ là đơn vị tính khối lượng học tập của người học.

a) Một tín chỉ được quy định tối thiểu bằng 15 giờ học lý thuyết và 30 giờ tự học, chuẩn bị cá nhân có hướng dẫn; hoặc bằng 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận và 15 giờ tự học, chuẩn bị cá nhân có hướng dẫn; hoặc bằng 45 giờ thực tập tại cơ sở, làm tiểu luận, bài tập lớn, làm đồ án, khoá luận tốt nghiệp, luận văn, luận án;

b) Một giờ tín chỉ được tính bằng 50 phút học tập.

2. Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với một trình độ đào tạo của giáo dục đại học là số lượng tín chỉ bắt buộc mà người học phải tích luỹ được ở trình độ đào tạo đó, không bao gồm số lượng tín chỉ của các học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng – An ninh.

3. Chương trình đào tạo là hệ thống kiến thức lý thuyết và thực hành được thiết kế đồng bộ với phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá kết quả học tập để đảm bảo người học tích luỹ được kiến thức và đạt được năng lực cần thiết đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học.

4. Chuẩn đầu ra là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện.

5. Năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp là khả năng làm việc cá nhân và làm việc nhóm trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc an toàn nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và tâm huyết với nghề; bao gồm kiến thức, kỹ năng, tính chủ động sáng tạo trong giải quyết các vấn đề liên quan đến ngành/ chuyên ngành tương ứng đối với mỗi trình độ đào tạo.

Chương II

KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC TỐI THIỂU, YÊU CẦU VỀ NĂNG LỰC MÀ NGƯỜI HỌC ĐẠT ĐƯỢC SAU KHI TỐT NGHIỆP MỖI TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 4. Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học

Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được quy định cụ thể như sau:

1. Trình độ đại học: 120 tín chỉ. Đối với những ngành có thời gian đào tạo 5 năm hoặc 6 năm thì khối lượng kiến thức tích luỹ tối thiểu tương ứng là 150 hoặc 180 tín chỉ.

2. Trình độ thạc sĩ: 60 tín chỉ. Đối với những ngành/ chuyên ngành ở trình độ đại học tương ứng có khối lượng kiến thức tối thiểu tích lũy từ 150 tín chỉ trở lên thì khối lượng kiến thức tối thiểu trình độ thạc sĩ là 30 tín chỉ.

3. Trình độ tiến sĩ: 90 tín chỉ đối với người tốt nghiệp thạc sĩ, 120 tín chỉ đối với người tốt nghiệp đại học.

Điều 5. Yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học

Ngoài các yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp, thái độ tuân thủ các nguyên tắc an toàn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng – an ninh theo quy định hiện hành và đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định hiện hành về Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, người học sau khi tốt nghiệp mỗi trình độ của giáo dục đại học phải đạt được các yêu cầu năng lực tối thiểu sau đây:

1. Trình độ đại học

a) Kiến thức:

Có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo;

b) Kỹ năng:

Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền;

Có kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn;

c) Năng lực tự chủ và trách nhiệm:

Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.

2. Trình độ thạc sĩ

a) Kiến thức:

Làm chủ kiến thức chuyên ngành, có thể đảm nhiệm công việc của chuyên gia trong lĩnh vực được đào tạo; có tư duy phản biện; có kiến thức lý thuyết chuyên sâu để có thể phát triển kiến thức mới và tiếp tục nghiên cứu ở trình độ tiến sĩ; có kiến thức tổng hợp về pháp luật, quản lý và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo;

b) Kỹ năng:

Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp, không thường xuyên xảy ra, không có tính quy luật, khó dự báo; có kỹ năng nghiên cứu độc lập để phát triển và thử nghiệm những giải pháp mới, phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực được đào tạo;

Có kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được một báo cáo hay bài phát biểu về hầu hết các chủ đề trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể diễn đạt bằng ngoại ngữ trong hầu hết các tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết báo cáo liên quan đến công việc chuyên môn; có thể trình bày rõ ràng các ý kiến và phản biện một vấn đề kỹ thuật bằng ngoại ngữ;

c) Năng lực tự chủ và trách nhiệm:

Có năng lực phát hiện và giải quyết các vấn đề thuộc chuyên môn đào tạo và đề xuất những sáng kiến có giá trị; có khả năng tự định hướng phát triển năng lực cá nhân, thích nghi với môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao và năng lực dẫn dắt chuyên môn; đưa ra được những kết luận mang tính chuyên gia về các vấn đề phức tạp của chuyên môn, nghiệp vụ; bảo vệ và chịu trách nhiệm về những kết luận chuyên môn; có khả năng xây dựng, thẩm định kế hoạch; có năng lực phát huy trí tuệ tập thể trong quản lý và hoạt động chuyên môn; có khả năng nhận định đánh giá và quyết định phương hướng phát triển nhiệm vụ công việc được giao; có khả năng dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề lớn.

3. Trình độ tiến sĩ

a) Kiến thức:

Có hệ thống kiến thức chuyên sâu, tiên tiến và toàn diện thuộc lĩnh vực khoa học chuyên ngành; có tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo; làm chủ được các giá trị cốt lõi, quan trọng trong học thuật; phát triển các nguyên lý, học thuyết của chuyên ngành nghiên cứu; có kiến thức tổng hợp về pháp luật, tổ chức quản lý và bảo vệ môi trường; có tư duy mới trong tổ chức công việc chuyên môn và nghiên cứu để giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh;

b) Kỹ năng:

Có kỹ năng phát hiện, phân tích các vấn đề phức tạp và đưa ra được các giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề; sáng tạo tri thức mới trong lĩnh vực chuyên môn; có khả năng thiết lập mạng lưới hợp tác quốc gia và quốc tế trong hoạt động chuyên môn; có năng lực tổng hợp trí tuệ tập thể, dẫn dắt chuyên môn để xử lý các vấn đề quy mô khu vực và quốc tế;

Có kỹ năng ngoại ngữ có thể hiểu được các báo cáo phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, bao gồm cả việc trao đổi học thuật thuộc lĩnh vực chuyên ngành. Có thể giao tiếp, trao đổi học thuật bằng ngoại ngữ ở mức độ trôi chảy, thành thạo với người bản ngữ. Có thể viết được các báo cáo khoa học, báo cáo chuyên ngành; có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, phân tích quan điểm về sự lựa chọn các phương án khác nhau;

c) Năng lực tự chủ và trách nhiệm:

Có năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề; rút ra những nguyên tắc, quy luật trong quá trình giải quyết công việc; đưa ra được những sáng kiến có giá trị và có khả năng đánh giá giá trị của các sáng kiến; có khả năng thích nghi với môi trường làm việc hội nhập quốc tế; có năng lực lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng tới định hướng phát triển chiến lược của tập thể; có năng lực đưa ra được những đề xuất của chuyên gia hàng đầu với luận cứ chắc chắn về khoa học và thực tiễn; có khả năng quyết định về kế hoạch làm việc, quản lý các hoạt động nghiên cứu, phát triển tri thức, ý tưởng mới, quy trình mới.

Chương III

QUY TRÌNH XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VÀ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, THẠC SĨ VÀ TIẾN SĨ

Điều 6. Quy trình và tổ chức xây dựng chương trình đào tạo

1. Quy trình xây dựng chương trình đào tạo

a) Bước 1: Khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực theo trình độ và ngành/ chuyên ngành đào tạo; khảo sát nhu cầu của người sử dụng lao động đối với người tốt nghiệp ngành/chuyên ngành đào tạo kết hợp với yêu cầu về khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Quy định này;

b) Bước 2: Xây dựng mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo;

c) Bước 3: Xác định cấu trúc, khối lượng kiến thức cần thiết của chương trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra;

d) Bước 4: Đối chiếu, so sánh với chương trình đào tạo cùng trình độ, cùng ngành/ chuyên ngành của các cơ sở đào tạo khác ở trong nước và nước ngoài để hoàn thiện chương trình đào tạo;

đ) Bước 5: Thiết kế đề cương chi tiết các học phần theo chương trình đào tạo đã xác định;

e) Bước 6: Tổ chức hội thảo lấy ý kiến của giảng viên, cán bộ quản lý trong và ngoài cơ sở đào tạo, các nhà khoa học, đại diện đơn vị sử dụng lao động liên quan và người đã tốt nghiệp (nếu có) về chương trình đào tạo;

g) Bước 7: Hoàn thiện dự thảo chương trình đào tạo trên cơ sở tiếp thu ý kiến phản hồi của các bên liên quan và trình Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo xem xét tiến hành các thủ tục thẩm định và áp dụng;

h) Bước 8: Đánh giá và cập nhật thường xuyên nội dung chương trình môn học và phương pháp giảng dạy dựa trên các tiến bộ mới của lĩnh vực chuyên ngành và yêu cầu của việc sử dụng lao động.

2. Tổ chức xây dựng chương trình đào tạo

a) Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học; Viện trưởng các viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là Thủ trưởng cơ sở đào tạo) giao cho đơn vị chuyên môn trực thuộc thực hiện các Điểm a và h Khoản 1 Điều này và ra quyết định thành lập tổ soạn thảo chương trình đào tạo (sau đây gọi là Tổ soạn thảo) trên cơ sở đề nghị của Trưởng đơn vị chuyên môn trực thuộc để thực hiện các Điểm b, c, d, đ, e, g của Khoản 1 Điều này;

b) Thành phần Tổ soạn thảo là những người am hiểu về ngành/ chuyên ngành đào tạo và có năng lực xây dựng, phát triển chương trình đào tạo bao gồm: đại diện đơn vị chuyên môn liên quan, đại diện phòng đào tạo, một số giảng viên đúng ngành/ chuyên ngành đào tạo, một số nhà khoa học, chuyên gia giáo dục và các thành phần liên quan khác theo yêu cầu của ngành/ chuyên ngành đào tạo và đại diện một số doanh nghiệp/ cơ quan sử dụng lao động thuộc ngành/ chuyên ngành. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định tiêu chuẩn, số lượng thành viên tham gia Tổ soạn thảo.

Điều 7. Quy trình thẩm định và ban hành chương trình đào tạo

1. Thủ trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo (sau đây gọi là Hội đồng thẩm định) theo đề nghị của Hội đồng khoa học và đào tạo. Tiêu chuẩn và cơ cấu Hội đồng thẩm định được quy định như sau:

a) Hội đồng thẩm định có ít nhất 5 thành viên là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đúng ngành/ chuyên ngành đào tạo với chương trình cần thẩm định; trong đó có ít nhất một người đại diện cho các đơn vị sử dụng lao động sau đào tạo; các thành viên Tổ soạn thảo không tham gia Hội đồng thẩm định. Khuyến khích các cơ sở đào tạo mời giảng viên có uy tín của các trường đại học nước ngoài tham gia hội đồng thẩm định chương trình;

Trường hợp không có người đại diện cho đơn vị sử dụng lao động đủ tiêu chuẩn tham gia Hội đồng thẩm định thì có thể mời người có học vị thạc sĩ từ 3 năm trở lên cùng ngành đào tạo và có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm thực tiễn thuộc lĩnh vực của chương trình đào tạo tham gia làm ủy viên hội đồng thẩm định chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ;

b) Hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch, Thư ký và một số uỷ viên, trong đó có 02 uỷ viên phản biện thuộc hai cơ sở đào tạo khác nhau. Cơ sở đào tạo có chương trình cần thẩm định không tham gia hoặc chỉ cử một người tham gia hội đồng thẩm định;

Trường hợp chương trình cần thẩm định thuộc ngành/ chuyên ngành mới, chưa có cơ sở nào ở Việt Nam đào tạo thì Hội đồng thẩm định gồm những người đủ tiêu chuẩn theo quy định này thuộc ngành gần, đã nghiên cứu và công bố ít nhất một công trình khoa học liên quan đến chương trình cần thẩm định (trừ thành viên đại diện cho đơn vị sử dụng lao động).

2. Thẩm định chương trình đào tạo

a) Hội đồng thẩm định căn cứ vào các quy định của quy chế đào tạo hiện hành đối với các trình độ tương ứng; các quy định hiện hành về chương trình đào tạo; yêu cầu của ngành/ chuyên ngành đào tạo và mục tiêu, chuẩn đầu ra đã xác định để thẩm định chương trình;

b) Cuộc họp của hội đồng thẩm định phải được ghi thành biên bản chi tiết; trong đó có kết quả biểu quyết về Kết luận của Hội đồng thẩm định, có chữ ký của các thành viên hội đồng;

c) Hội đồng thẩm định phải kết luận rõ một trong các nội dung sau: Hội đồng thông qua chương trình đào tạo, không cần chỉnh sửa, bổ sung hoặc Hội đồng thông qua chương trình đào tạo nhưng yêu cầu phải chỉnh sửa, bổ sung và nêu nội dung cụ thể cần phải chỉnh sửa, bổ sung hoặc Hội đồng không thông qua chương trình đào tạo và nêu lý do không được thông qua.

3. Thủ trưởng cơ sở đào tạo ký quyết định ban hành chương trình đào tạo trên cơ sở đề nghị của hội đồng khoa học và đào tạo; công bố công khai chương trình đào tạo, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo thực hiện trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

Điều 8. Quy trình cập nhật và tổ chức đánh giá chương trình đào tạo

1. Quy trình cập nhật, đánh giá chương trình đào tạo

a) Bước 1: Lập kế hoạch cập nhật, đánh giá chương trình đào tạo;

b) Bước 2: Thu thập thông tin, minh chứng liên quan đến sự cần thiết phải cập nhật chương trình đào tạo (những thay đổi trong quy định của nhà nước, của cơ sở đào tạo về chương trình đào tạo; những tiến bộ mới trong lĩnh vực khoa học thuộc ngành, chuyên ngành; các vấn đề kinh tế xã hội, kết quả nghiên cứu liên quan đến chương trình đào tạo; phản hồi của các bên liên quan; những thay đổi học phần, môn học hoặc nội dung chuyên môn…);

c) Bước 3: Đánh giá và xây dựng báo cáo đánh giá về tính hiệu quả của chương trình đào tạo đang thực hiện (đáp ứng so với chuẩn đầu ra và mục tiêu đã xác định; sự thống nhất và gắn kết giữa nội dung chương trình, phương pháp kiểm tra đánh giá, nguồn tài liệu phục vụ học tập và giảng dạy…); so sánh giữa kết quả nghiên cứu về yêu cầu phát triển chương trình đào tạo và mức độ đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo đang thực hiện; dự kiến tác động của việc thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo;

d) Bước 4: Dự thảo những nội dung cần sửa đổi, cập nhật chương trình đào tạo và trình Hội đồng khoa học và đào tạo xem xét thông qua;

đ) Bước 5: Hội đồng khoa học và đào tạo xem xét, thông qua nội dung sửa đổi, cập nhật chương trình đào tạo và trình Thủ trưởng cơ sở đào tạo ban hành chương trình đào tạo sửa đổi, bổ sung. Nếu cần thiết, Hội đồng khoa học và đào tạo quyết định việc thẩm định chương trình đào tạo sửa đổi, bổ sung theo Điều 7 của Quy định này.

2. Tổ chức đánh giá chương trình đào tạo

a) Ít nhất 2 năm một lần, Trưởng đơn vị chuyên môn trực thuộc cơ sở đào tạo phải tổ chức đánh giá chương trình đào tạo theo quy định tại Khoản 1 Điều này (từ bước 1 đến bước 4). Việc dự thảo nội dung cần sửa đổi, cập nhật chương trình đào tạo được thực hiện theo Điều 6 của Quy định này hoặc theo quy trình rút gọn và tổ chức đơn giản hơn, tuỳ theo mức độ sửa đổi, cập nhật;

b) Thủ trưởng cơ sở đào tạo ban hành chương trình đào tạo cập nhật, bổ sung trên cơ sở đề xuất của hội đồng khoa học và đào tạo sau khi chương trình đào tạo được đánh giá theo Khoản 1 Điều này.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN, KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định tại Thông tư này về khối lượng kiến thức tối thiểu và năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo; ban hành chuẩn đầu ra đối với mỗi chương trình đào tạo.

Đối với yêu cầu về năng lực ngoại ngữ, Thủ trưởng cơ sở đào tạo lựa chọn áp dụng quy định chung này hoặc 1 trong 6 bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tương đương với yêu cầu năng lực ngoại ngữ quy định cho từng trình độ đào tạo của Thông tư này. Nếu người học là người Việt Nam có nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt thay thế ngoại ngữ, thì Thủ trưởng cơ sở đào tạo xem xét quyết định cho phù hợp với điều kiện của cơ sở đào tạo.

2. Thủ trưởng cơ sở đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá chương trình đào tạo hiện hành; ban hành chương trình đào tạo theo quy định của Thông tư này trước ngày 01/01/2016.

3. Thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm thực hiện các quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo; quy định cụ thể các nội dung của quy định này phù hợp với yêu cầu của trình độ, ngành/ chuyên ngành đào tạo và điều kiện của cơ sở đào tạo.

Điều 10. Kiểm tra, thanh tra

1. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra nội bộ và tự đánh giá việc tổ chức thực hiện các quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy định về xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nhà trường theo quy định tại Thông tư này.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này tại các cơ sở đào tạo.

Điều 11. Xử lý vi phạm

1. Cơ sở đào tạo vi phạm Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định hiện hành; nếu vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều này thì bị đình chỉ tuyển sinh 12 tháng, nếu tái phạm thì bị thu hồi quyết định mở ngành đào tạo.

2. Thủ trưởng cơ sở đào tạo và những người trực tiếp vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật trong các trường hợp sau đây:

a) Không đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo;

b) Không thực hiện đúng quy trình về xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo;

c) Không lưu trữ các văn bản, tài liệu minh chứng cho việc triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này;

d) Không thực hiện các quy định khác của Thông tư này./.


Các tập tin đính kèm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *