Hành trình về với Đền thờ nhà giáo Chu Văn An, Đền thờ Nguyễn Trãi và thăm quan khu di tích lịch sử Côn Sơn – Kiếp Bạc của ĐoànCán bộ, giảng viên, học viên cao học Khóa 2.2 Trường Đại học Công nghệ GTVT

Ngày 26/5/2018 Đoàn cán bộ, giảng viên, học viên cao học Khóa 2.2 Trường Đại học Công nghệ GTVT tham quan  hành trình về Đền thờ nhà giáo Chu Văn An, Đền thờ Nguyễn Trãi và tham quan khu di tích lịch sử Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Đúng 7h30, chuyến xe bắt đầu khởi hành. Con đường tuy dài nhưng dường như ngắn lại bởi chúng tôi có nhiều câu chuyện thú vị trên suốt hành trình. Khi xe dừng lại, vừa bước xuống, tôi đã cảm thấy được không khí mát mẻ trong lành hoàn toàn khác với khung cảnh nhộn nhịp ồn ào ở Thủ Đô. Tôi có thể cảm nhận được làn gió thổi nhè nhẹ qua ánh nắng vàng mặt trời chiếu sáng muôn ngả.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là đền thờ Chu văn An, thờ người thầy giáo mẫu mực muôn đời. Khung cảnh thật tĩnh lặng nhưng hùng vĩ , đẫm chất thơ, văn và tâm đức sáng ngời của một nhân tài. Nơi đó có rừng thông, bạch đàn bạt ngàn xanh thẫm, suối nước trong rì rào, đá núi lô xô, chùa tháp cổ kính…

Đền thờ Chu Văn An

Theo sử sách, Chu Văn An (1292-1370) có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, quê thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Chu Văn An là người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Ông có công lớn trong việc quảng bá, hình thành đạo đức, tư tưởng Khổng giáo mang bản sắc Việt Nam . Ông được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Dưới thời vua Trần Dụ Tông, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 gian thần nhưng không được Vua nghe. Ông từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng, Chí Linh dạy học, viết sách cho đến khi mất.

Khu đền thờ thầy giáo Chu Văn An nằm giữa khu rừng thông xanh tươi ngút ngàn của núi rừng Phượng Hoàng. Nguyên khởi của ngôi đền chính “Điện lưu quang” là nơi thầy giáo Chu Văn An ngồi dạy học. Không nguy nga hoành tráng, cầu kì, đền thờ thầy giáo Chu Văn An được thiết kế, xây dựng mang đậm nét truyền thống dân tộc. Ngôi đền chính được chồng diêm tám mái thể hiện sự tôn vinh đẳng cấp và tầm vóc của danh nhân theo tập quán người Việt. Ngay cổng có hàng chữ “Vạn thế sư biểu” để thể hiện tấm lòng của bao thế hệ người Việt với Chu Văn An.

Khu lăng mộ thầy Chu Văn An nằm cách đền thờ chừng 600 m. Tương truyền, khi thầy Chu Văn An mất, các học trò đã mang thầy lên táng tại đỉnh núi Phượng Hoàng và dựng nhà bên mộ tế lễ cả năm để tỏ lòng thương tiếc.

Đền thờ Chu Văn An còn là nơi từng diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những điển hình trong ngành giáo dục của cả nước. Nhiều trường học trong cả nước cũng đã tổ chức cho học sinh đến đây tham quan kết hợp tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Du khách đến viếng đền đầu xuân thường xin chữ thánh hiền từ các cụ đồ nho, cầu công danh hiển đạt, học hành, khoa cử tiến bộ.

Cũng tại đền thờ Chu Văn An đã diễn ra lễ khai bút vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm Quý Tỵ 2013 với 4 chữ thư pháp Hán Nôm: Chính – Học – Thuần – Hành (Đạo học có chính thì thực hành mới thông), với 10 chữ Quốc ngữ: Tâm – Đức – Chí – Nghĩa – Trung / Tài – Minh – Trí – Thành – Vinh. Nét văn hóa đẹp khai bút và xin chữ đầu Xuân có từ khi thầy Chu Văn An về đây mở lớp dạy học và duy trì đến nay. Tương truyền, xưa kia học trò đến thăm thầy thường được thầy thăm hỏi, trò chuyện. Khi chia tay, thầy tự tay viết tặng người đó một chữ ứng với ý nhắn gửi lẽ sống cho người đó. Ai được tặng chữ đều coi những chữ đó như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm.

Địa điểm thứ hai đoàn đến là khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Quần thể di tích này thuộc địa bàn thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc

Chùa Côn Sơn tên chữ là “Thiên Tư Phúc Tự”, nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn. Tương truyền nơi đây là nơi hun gỗ làm than và đã từng diễn ra trận hoả công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X. Nên ngoài tên gọi Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân hay núi Hun. Chùa “Thiên Tư Phúc Tự” trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun.

Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Tiếp đến nhà Tổ là nơi thờ các vị tổ có công tu nghiệp đối với chùa: Điều ngư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Sân chùa có 4 nhà bia.

Thiền sư Huyền Quang vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm – một thiền phái mang mầu sắc dân tộc Việt Nam đã về tu ở chùa Côn Sơn. Tại Côn Sơn Huyền Quang cho lập đài Cửu phẩm liên hoa, biên tập kinh sách, làm giảng chủ thuyết pháp phát triển đạo phái không ngừng. Ngày 22 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334) Thiền sư Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông đã cấp cho ruộng để thờ và cho xây tháp tổ sau chùa, đặc phong Tự Tháp “Huyền Quang tôn giả”. Chùa Côn Sơn xưa nay là danh lam cổ tích của đất nước, hiện còn nhiều dấu tích và cổ vật có giá trị.

Điểm đến tiếp theo của Đoàn là Đền thờ Nguyễn Trãi. Đền được khởi công xây dựng ngày 14-12-2000, trên khuôn viên đất rộng gần 10.000 m2, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi. Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền.

Đền thờ chính, hai nhà Tả vu, Hữu vu, Nghi môn nội, Nghi môn Ngoại, Nhà Bia, Am hoá vàng, cầu vào cổng chính, cầu qua suối Côn Sơn theo kiểu thượng gia hạ kiều để lên Thạch Bàn, nhà từ đền, hệ thống sân vườn, đường cấp thoát nước …

Ngôi đền chính tưa lưng vào Tổ Sơn, hai bên tì vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân là tả Thanh long và hữu Bạch hổ. Phía trước có hồ nước rộng, tiếp theo là núi Trúc Thôn đối diện với núi Phượng Hoàng. Xa xa là dãy núi An Lạc đã tạo lên thế núi lớp lớp điệp trùng.

Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, kiến trúc theo truyền thống và rất độc đáo ; với một nguồn lớn kinh phí cùng với những người có tâm đức, các Nghệ nhân và những người thợ khéo tay, cần mẫn lao động hơn 2.500 ngày để có được công trình hôm nay, thoả mãn cao nhất nhu cầu du lịch gắn với lịch sử và tâm linh của các thế hệ mai sau. Tại gian tiền tế của đền Kiếp Bạc hiện còn trưng bày 2 đoạn xương ống chân voi. tương truyền đây là con voi chiến của Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn trong khi ra trận bị sa lầy tại cánh đồng gần tỉnh Thái Bình, mặc dù quân sỹ dốc sức làm mọi cách để cứu voi khỏi bị sa lầy nhưng vẫn không cứu nổi, Trần Hưng Đạo đành phải bỏ voi lại để tiếp tục tiến quân ra chiến trường và có chỉ gươm xuống đất thề sẽ quay lại cứu voi khi thắng trận. Thắng trận trở về đến cánh đồng nơi voi bị sa lầy nhưng con voi đã chết vì bị chìm lún xuống bùn. Tương truyền 2 ống xương chân voi hiện đang đặt tại gian tiền tế đền Kiếp Bạc là xương của con voi trung thành của Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương.

Một số hình ảnh về chuyến đi:

 

 


Các tập tin đính kèm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *